Chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến việc rèm cửa cũng có chứa formaldehyde. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm đến bạn nguyên nhân rèm cửa chứa chất độc hại này và gợi ý một số cách khắc phục.
Rèm cửa là vật trang trí không thể thiếu với mọi căn nhà nhưng lại ẩn chứa formaldehyde.
Vì sao trong rèm cửa lại có formaldehyde?
Trong ngành dệt may, để làm tăng khả năng chống nhăn và chống thấm nước của vải may rèm cửa, bên cạnh đó còn để làm tăng độ bền màu và khả năng chống cháy của vải, nhà sản xuất sẽ thêm nhựa nhân tạo và các chất phụ gia phổ biến khác vào vải.
Trong quá trình dệt, in, nhuộm và hoàn tất, nhiều loại thuốc nhuộm cùng phụ gia, hạt nhựa được thêm vào nhằm giữ màu và tạo liên kết ngang để chống nhăn, chống nấm mốc. Những loại nhựa này chứa formaldehyde và dư lượng của chúng vẫn còn lưu trên vải rèm khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Nhìn chung, sản phẩm dệt có trang trí và lớp phủ sẽ có hàm lượng formaldehyde cao hơn. Khi các loại rèm cửa này tiếp xúc với không khí trong thời gian dài, formaldehyde sẽ bay hơi liên tục làm ô nhiễm môi trường trong nhà. Nhất là với những căn nhà có cửa sổ lớn như kích thước kéo dài từ sàn nhà lên đến trần, thường gặp ở những căn biệt thự cao cấp, thì càng cần sử dụng lượng rèm cửa lớn, dẫn đến nồng độ formaldehyde trong nhà càng cao.
Phải làm gì với rèm cửa có chứa formaldehyde?
Chú ý khi mua vải rèm cửa
Nếu rèm cửa phát ra mùi hăng, có thể do dư lượng formaldehyde còn nhiều, bạn có thể cân nhắc không mua.
Khi chọn màu, tốt nhất nên chọn loại rèm cửa màu nhạt bởi màu này sẽ bền hơn so với màu đậm nên các nhà sản xuất ít cần phải sử dụng formaldehyde.
Bạn cũng cần thận trọng với các loại rèm cửa chống nhăn, có kết cấu mềm và phẳng.
Xử lý rèm cửa vừa mua về
Một thực nghiệm tại Hàn Quốc cho thấy, dư lượng formaldehyde trong các sản phẩm dệt may giảm 60% sau khi giặt lần đầu.
Rèm cửa vừa mua về trước tiên cần được ngâm trong nước và được giặt sạch. Sau khi giặt, nên phơi khô rèm ở ngoài trời thoáng khí sẽ giúp giảm bớt lượng tồn dư formaldehyde.