Trẻ em có nhịp thở cao hơn 50% so với người trường thành, ở trẻ sơ sinh là 30 - 50 nhịp/phút, ở người trưởng thành là 16 - 20 nhịp/phút. Nhịp thở của trẻ sẽ chậm dần khi độ tuổi tăng lên. Đồng thời, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước các chất có hại rất yếu.
Trẻ em dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm không khí trong nhà.
Ở các thành phố lớn, ô nhiễm không khí trong nhà còn cao hơn ô nhiễm không khí bên ngoài môi trường. Trẻ em dành tới 80% thời gian ở trong nhà, nhịp thở cao kèm hệ miễn dịch yếu nên rất dễ mắc bệnh hen suyễn. Trên toàn thế giới có 100.000 người tử vong vì hen suyễn mỗi năm do ô nhiễm không khí trong nhà, trong đó có tới 35% là trẻ em.
Không chỉ ở tác động thể chất, nhiều chuyên gia còn tin rằng ô nhiễm không khí làm giảm trí thông minh của con người, đặc biệt là với trẻ em.
Formaldehyde có trong nhiều vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí... có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch của trẻ, làm trẻ bị sụt cân, thâm chị gây rối loạn nhiễm sắc thể ở trẻ sơ sinh. Benzen trong sơn, keo, các loại chất phủ khác có thể làm phá hủy chức năng tạo máu ở tủy xương của trẻ, gây thiếu máu hay bệnh bạch cầu.
Có nhiều nguồn gây ô nhiễm trong phòng của trẻ mà cha mẹ cần đặc biệt chú ý như thảm, chăn, giấy dán tường, nội thất gỗ công nghiệp, đồ chơi bằng nhựa, lông thú cưng... Ngoài ra, cũng cần chú ý tới lớp mẫu giáo và lớp học của trẻ, không gian kín đông đúc cũng dễ bị ô nhiễm không khí.
Để tránh việc trẻ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí trong nhà, bạn nên thường xuyên thông gió cho phòng ngủ của trẻ. Khi chất lượng không khí ngoài trời tốt, hãy cho trẻ hoạt động ngoài trời nhiều hơn. Với những căn nhà vừa cải tạo, hãy làm sạch không khí trong nhà trước khi đưa trẻ đến sinh sống.